Cách lựa chọn và sử dụng đèn chùm

Đèn chùm là dạng đèn đặc biệt, kích thước to, hình dáng và cấu tạo phức tạp hơn, giá cũng đắt nên khi treo, gia chủ cần xem xét nhiều yếu tố.

Trước kia, loại đèn này thường chỉ xuất hiện ở những công trình kiến trúc lớn, sang trọng nhưng nay có thể xuất hiện ở cả những ngôi nhà nhỏ.

Đèn chùm có nhiều công dụng, trước hết để chiếu sáng cho không gian lớn, sảnh, lối đi. Đôi khi, đèn chùm có thể được sử dụng cho các không gian nhỏ hơn như phòng họp, phòng ăn, tiếp khách.

Công dụng tiếp theo của đèn chùm là trang trí, bằng cả ánh sáng và hình dáng của nó. Một đèn chùm được thiết kế tốt và sử dụng đúng cách sẽ cho ánh sáng rất đẹp. Một đèn chùm có tỷ lệ thích hợp, hình dáng đẹp, kết hợp với trần sẽ làm tăng hiệu quả thẩm mỹ nội thất lên đáng kể.

Đèn chùm kiểu cổ điển thường được treo ở những không gian lớn và trang trọng. Ảnh: Hà Thành.

Đèn chùm kiểu cổ điển thường được treo ở những không gian lớn và trang trọng. Ảnh: Hà Thành.

Việc lựa chọn và sử dụng đèn chùm cho hiệu quả không hề dễ dàng, gia chủ cần chú ý đến các yếu tố sau đây.

Kết cấu đèn

Khung xương đèn phải làm bằng vật liệu chắc chắn, khỏe; các mối nối liên kết từ xương chính tới các nhánh, các chóa/ chụp đèn phải kín, khít, không rạn vỡ.

Phụ kiện

Các phụ kiện pha lê, thủy tinh phải dày dặn, không có lỗi, tạp chất, không bị xước, không bị mất mát, xô lệch. Các bộ phận liên kết phụ kiện (dây, móc) phải đảm bảo bền vững.

Hệ thống dây dẫn, đui đèn

Đèn chùm thường có rất nhiều bóng từ vài cho tới hàng chục bóng đèn. Vì vậy ở đèn chùm có một hệ thống dây khá phức tạp từ trung tâm tỏa đi tới các nhánh. Hệ thống dây này phải có chất lượng tốt và được giấu kín, nhưng cũng tiện xử lý khi có sự cố. Hệ thống đui phải theo chuẩn, đảm bảo tiếp xúc tốt. Đèn chùm sẽ trở nên phi thẩm mỹ nếu như một hoặc vài bóng đèn không sáng.

Nắm được kiểu/loại đèn chùm, hiểu rõ chức năng, biết lựa chọn đèn chùm tốt chưa đủ. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng cứ mua đèn chùm về treo hoặc một chiếc đèn chùm xịn (được đo bằng giá tiền) sẽ làm tăng giá trị căn phòng lên. Thực tế, cái đẹp phải đi cùng sự phù hợp, đúng chỗ, đúng kiểu, đúng cách thức. Để làm được điều đó, gia chủ cần quan tâm tới các yếu tố sau đây:

Nơi treo

Đèn chùm thường được treo ở những không gian lớn, những không gian có tính sang trọng, đăng đối như sảnh, phòng hội họp, phòng ăn, phòng khách… Trong các không gian riêng tư và nhỏ hơn (như phòng ngủ) hạn chế dùng đèn chùm, nếu sử dụng cần lưu ý tới chiều cao và vị trí.

Trong nhà ở, đèn chùm nên được treo ở những không gian sinh hoạt tập trung như phòng khách, phòng ăn. Ảnh: Hà Thành.

Trong nhà ở, đèn chùm nên được treo ở những không gian sinh hoạt tập trung như phòng khách, phòng ăn. Ảnh: Hà Thành.

Định vị chùm đèn

Hay là quan hệ vị trí đèn với các bề mặt tương ứng trong không gian – đặc biệt là trần và sàn. Nếu đã định sử dụng đèn chùm phải quan tâm tới trần từ khâu thiết kế, xác định các vị trí treo đèn để thiết kế trần phù hợp. Song song với vấn đề đó là thiết kế sàn tương ứng và xác định nội thất trên bề mặt sàn. Tất cả đều có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau.

Một điểm cần lưu ý nữa là cần tránh vị trí chùm đèn “rơi” trên các vị trí đứng/ ngồi của người làm việc, sinh hoạt. Vị trí đèn chùm nên thẳng với vị trí bàn họp ở phòng họp, bàn ăn ở phòng ăn, bàn nước ở phòng khách hoặc những vị trí không có đồ nội thất, vị trí mà người sử dụng không đứng hay ngồi lâu.

Kích thước

Cũng như tất cả các yếu tố khác của kiến trúc – nội thất, kích thước đèn chùm và tỷ lệ hài hòa là nhân tố quan trọng nhất của yếu tố thẩm mỹ. Không gian rộng, trần cao mà đèn nhỏ thì đèn sẽ bị “lọt thỏm”. Ngược lại không gian nhỏ, trần thấp mà đèn lớn sẽ gây bức bối, khó chịu, chưa kể dễ bị va quệt vào đèn.

Để chọn kích thước đèn phù hợp, bạn có thể căn cứ vào công thức sau:

Chiều cao trần (H) khoảng 3m: L = 1/5H (L là độ dài của đèn chùm)

Chiều cao trần (H) lớn hơn 3m: L = 1/4H (L là độ dài của đèn chùm)

Trần cao dưới 3m không nên dùng các kiểu đèn chùm cổ điển, chỉ nên dùng các kiểu đèn chùm hiện đại, gọn, không dài.

Chiều cao trần từ 2,6 m trở xuống không nên dùng đèn chùm.

Kiểu dáng, hình thức

Kiểu dáng và chất liệu, màu sắc đèn chùm cần phù hợp với phong cách thiết kế nội thất và các đồ nội thất cụ thể có liên quan trong không gian đó. Một không gian cổ điển sẽ cần đèn chùm cổ điển, một không gian hiện đại phải dùng đèn chùm hiện đại. Nếu không chú ý tới yếu tố này, sẽ xảy ra tình trạng khập khiễng, khiến không gian đẹp cộng đèn đẹp vẫn ra kết quả xấu.

Một loại đèn chùm hiện đại có hiệu ứng ánh sáng lạ mắt. Ảnh: Hà Thành.

Một loại đèn chùm hiện đại có hiệu ứng ánh sáng lạ mắt. Ảnh: Hà Thành.

Chuẩn bị kỹ thuật

Để treo đèn chùm, bạn cần chuẩn bị trước các yếu tố kỹ thuật liên quan. Móc treo đèn là yếu tố quan tâm số một. Đèn chùm thường rất nặng, nhất là đèn chùm pha lê nên móc phải chắc chắn, an toàn cho cả đèn lẫn người sử dụng. Móc được chôn khi đổ bê tông là tốt nhất, nếu không phải khoan gia cố vào trần bê tông, tuyệt đối không gắn vào hệ trần thạch cao có thể gây sập trần, hoặc gây võng nứt.

Dù có thể chưa mua đèn, bạn cũng nên áng chừng thông số kỹ thuật về loại đèn dự kiến sử dụng để lắp bộ điều khiển phù hợp. Nếu việc sử dụng linh hoạt về cường độ ánh sáng nên dùng chiết áp để tiện điều chỉnh. Không nên vì sáng quá mà tháo bớt bóng của đèn chùm đi.